Cách chuẩn bị cho ngày sinh nở
Lần đầu tiên sắp được chính thức lên chức bố mẹ, chắc hẳn các bà mẹ trẻ không khỏi lo lắng, lúng túng và không biết sẽ đối mặt với cuộc vượt cạn như thế nào, phải chuẩn bị gì cho công đoạn trước và sau kỳ sinh nở.
Chuẩn bị tâm lý sẽ vượt cạn bất kỳ lúc nào
Không phải bà mẹ nào cũng vượt cạn đúng thời điểm dự kiến em bé sẽ chào đời, bởi chu kỳ mang thai dao động trong khoảng từ 38 – 42 tuần. Do đó các bà mẹ hãy luôn sẵn sàng tâm lý cho việc vượt cạn thật thoải mái trước thời điểm dự kiến sinh 2 tháng. Có như vậy bạn mới có thể tránh được tâm lý hoang mang, lo sợ khi có dấu hiệu chuyển dạ trước thời điểm dự kiến.
Tìm hiểu và học cách lắng nghe dấu hiệu cơ thể
Các thai phụ, đặc biệt là những bà mẹ trẻ nên tìm hiểu qua sách báo, tư vấn của bác sĩ để có thể nhận biết và lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể trước thời điểm chuyển dạ thật và khi chuyển dạ thật, cụ thể như sau:
* Trước thời điểm chuyển dạ:
Trước thời điểm chính thức chuyển dạ để sinh khoảng từ 1 đến 2 tuần, cơ thể thai phụ sẽ cảm nhận được những cơn co thắt nhẹ bởi cổ tử cung đang bắt đầu giãn nở. Vì vậy trong khoảng thời gian này các thai phụ nên thật cẩn trọng trong mọi việc, đặc biệt nên xin ngừng công tác ở cơ quan và sẵn sàng 24/24 cho việc lâm bồn của mình.
* Thời điểm chuyển dạ:
Ngay khi có những dấu hiệu sau, các bà mẹ hãy nhanh chóng nhập viện để được sự chăm sóc, tư vấn, giúp đỡ của bác sỹ: Bạn có cảm giác nặng nề hơn ở khung xương chậu đồng thời, áp lực của thai lên lồng ngực cũng giảm đi đáng kể và những cơn thở của bạn dễ dàng hơn, đó là cảm giác sa bụng khi thai tụt xuống, rốn không lồi ra (không thấy rốn nữa), đi tiểu nhiều lần trong ngày, cảm thấy đau lưng, xuất hiện dịch âm đạo màu trắng đục giống hoặc chất nhày màu hồng và đặc biệt các cơn co thắt và đau xuất hiện liên tục, dồn dập sẽ giúp các thai phụ nhận biết được tình hình chuyển dạ thật. Và thời điểm vỡ ối cũng chính là thời điểm em bé đang chuẩn bị chào đời.
Hành trang cho mẹ và bé luôn sẵn sàng
Việc chuẩn bị hành trang cho mẹ và bé phải đơn giản, gọn nhẹ và phải “đóng gói” sẵn sàng, để khi đưa mẹ đến bệnh viện sinh gia đình chỉ cần mở tủ mang đi mà không phải tất bật cho việc tìm kiếm, sắp xếp đồ đạc hoặc chạy đôn chạy đáo mua thứ này, mua thứ kia trong khi bạn đang và đã lâm bồn.
* Hành trang của bé bao gồm:
Áo sơ sinh vải cotton mềm, không cúc khoảng 10 cái, tã chéo khoảng 10 cái, tã giấy, tấm lót loại một mặt là nilon, một mặt là vải bông khoảng 5-6 cái. Khăn bông quấn bé khoảng 1 - 2 cái, bao tay, bao chân, mũ thóp 10 bộ, giấy ướt 1 hộp, bông gòn vô trùng, bông tăm, nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) để vệ sinh, tai mũi họng cho bé, cốc, thìa, bình sữa, có thể mang gối thật mỏng để bé kê đầu.
* Hành trang cho mẹ:
Đồ dùng chuẩn bị cho mẹ thì đơn giản hơn như gối, khăn mặt, bỉm cho mẹ, quần lót dùng 1 lần, tất, khăn, cốc, thìa để uống sữa và nước, một bộ quần áo dài tay chuẩn bị cho ngày xuất viện. Ngoài ra phải mang thêm hộp sữa cho bà bầu vì khi vừa sinh xong bà bầu cần được bổ sung dinh dưỡng.
Bình thủy dùng để đựng nước nóng cũng là một vật dụng vô cùng quan trọng cho việc chăm sóc cho mẹ và bé trong những ngày ở bệnh viện.